Mì thanh long và chuyện đưa ý tưởng ra thị trường

Chi tiết bài viết.

  • 0
  • 880

Mạng xã hội tràn ngập hình ảnh mì thanh long và câu slogan: "Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm". Đây là sản phẩm từ nghiên cứu của trường ĐH ra thị trường.


Hợp tác nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm mì thanh long giữa Trường ĐH Công Thương TP.HCM và các đơn vị đối tác - Ảnh: HUIT

Hợp tác nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm mì thanh long giữa Trường ĐH Công Thương TP.HCM và các đơn vị đối tác - Ảnh: HUIT

Trong các trường ĐH hiện nay, nhiều dự án sáng tạo của sinh viên và giảng viên vẫn đang "tìm đường" ra cuộc sống với sự hỗ trợ của trung tâm ươm tạo.

Bắt tay giữa nhiều bên

Về câu chuyện mì thanh long, PGS.TS Thái Doãn Thanh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP.HCM, cho biết năm 2020 Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, Công ty CatyFood đặt vấn đề với Trường ĐH Công Thương TP.HCM và Viện Khoa học kinh tế và công nghệ Sài Gòn có thể nghĩ cách chế biến những sản phẩm mới từ trái thanh long. 

Mục đích nhằm tạo thêm đầu ra cho nông sản, đặc biệt trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Trong liên kết giữa các bên, phía công ty và hiệp hội sẽ lo về nguyên liệu và kinh phí đầu tư.

Trường ĐH chịu trách nhiệm nghiên cứu công nghệ để đưa thành phần thanh long vào mì. Sau khoảng một năm, dòng sản phẩm đầu tiên ra mắt và được chạy thử nghiệm. 

Khi được thị trường chấp nhận, các bên mở rộng thêm sản phẩm và đối tượng khách hàng. Đến nay, các sản phẩm mì thanh long đã được một số nhà cung ứng ký hợp tác để vào thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Từ trung tâm ươm tạo

Những năm qua, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai nhiều hoạt động ươm tạo cho các dự án của sinh viên và giảng viên. 

Một số dự án của sinh viên, cựu sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM sau đó phát triển thành các doanh nghiệp khởi nghiệp khá thành công như MimosaTek, Gcall, BusMap... Từ năm 2019 đến nay, trung tâm đã ươm tạo hơn 100 dự án.

ThS Lê Nhật Quang, giám đốc trung tâm, cho biết số lượng sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường từ những ý tưởng do sinh viên phát triển thường chiếm tỉ lệ rất ít nếu so với số dự án được ươm tạo. Thách thức lớn nhất là sự chấp nhận của thị trường. 

Nếu sản phẩm, ứng dụng không được chấp nhận, dự án của sinh viên thường phải dừng lại sau vài tháng hoặc vài năm.

Theo ông Quang, những trung tâm ươm tạo ở ĐH đang đảm nhiệm phần việc mà nhiều bên khá e dè. Các doanh nghiệp hay quỹ đầu tư thường thích rót tiền vào các dự án đã có hình hài và doanh thu. 

Từ lúc lên ý tưởng đến khi có sản phẩm hoàn chỉnh là giai đoạn các dự án của sinh viên cần được giúp đỡ rất nhiều, nhưng hầu hết các đơn vị trên thường không mặn mà.

ThS Vương Khiết, giám đốc Vườn ươm Viện đổi mới sáng tạo (ĐH Kinh tế TP.HCM), thông tin mỗi năm có khoảng 30 - 40 dự án của sinh viên xuất phát từ các chương trình nghiên cứu, cuộc thi ý tưởng rồi tham gia vào chương trình ươm tạo của ĐH. 

Mỗi giai đoạn ươm tạo thường kéo dài trong sáu tháng. Các nhóm được hỗ trợ không gian làm việc, tư vấn pháp lý, tư vấn tuyển dụng, truyền thông, cách quản trị, tìm kiếm mentor, gọi vốn. Sau sáu tháng, các nhóm được đánh giá để chuyển sang giai đoạn ươm tạo kế tiếp.

Ông Khiết thông tin đến nay có một số dự án của sinh viên phát triển thành công ty khởi nghiệp hoặc được chuyển giao sản phẩm cho các doanh nghiệp, như app phân loại rác, app kết nối người bệnh hay bảng chỉ dẫn thông minh... 

"Vườn ươm cũng đang mở rộng kết nối với các trường ĐH ở Singapore, Đức cho các bạn sinh viên quốc tế đến Việt Nam bắt đầu các dự án của mình", ông Khiết nói.

Trong liên kết giữa các bên, phía công ty và hiệp hội sẽ lo về nguyên liệu và kinh phí đầu tư. Trường ĐH chịu trách nhiệm nghiên cứu công nghệ để đưa thành phần thanh long vào mì.

Mì thanh long và chuyện đưa ý tưởng ra thị trường- Ảnh 2.PGS.TS THÁI DOÃN THANH (phó hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP.HCM)

Đồng hành cùng các dự án

ThS Huỳnh Hồng Mai - phó giám đốc Trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - chia sẻ chuyện đồng hành cùng các dự án đổi mới sáng tạo của sinh viên tại trường bắt đầu bằng việc đưa các học phần tư duy sáng tạo vào chương trình ở mọi ngành học. 

Từ đó, sinh viên có những hiểu biết đầu tiên về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp bên cạnh chuyên môn chính.

Tiếp theo, các cuộc thi về khởi nghiệp thường được trường tổ chức để tạo sân chơi thực hành cho sinh viên. Mỗi năm trường tổ chức khoảng ba cuộc thi, trong đó có cuộc mở rộng ra khoảng 30 trường trên cả nước. Mỗi cuộc thi sáng tạo lại được thiết kế đúng theo các giai đoạn phát triển sản phẩm. 

Bà Mai thông tin mỗi năm có khoảng 2-3 nhóm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có thể thành lập doanh nghiệp. Trong năm 2022, một nhóm sinh viên phát triển công ty làm các sản phẩm tinh dầu từ vỏ cam sành, một nhóm khác lập doanh nghiệp về nông nghiệp thông minh...

ThS Lê Nhật Quang cho rằng bên cạnh hỗ trợ các dự án thành công, các trung tâm ươm tạo ĐH còn đồng hành các nhóm sinh viên khi thất bại. Chi phí tài chính khi một dự án thất bại được san sẻ. Ví dụ, nhiều trung tâm ươm tạo hiện hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp sinh viên văn phòng làm việc. 

Ở giai đoạn phát triển ý tưởng, chi phí thuê văn phòng riêng khoảng 7-8 triệu đồng/tháng cũng không hề nhỏ đối với các sinh viên. Nếu sau 1-2 năm dự án phải dừng lại, nhóm sinh viên cũng đỡ được trăm triệu đồng "thiệt hại về tài chính".

ThS Vương Khiết cho rằng một tôn chỉ hoạt động khác của nhiều trung tâm ươm tạo ở trường ĐH hiện tại là phát triển con người. 

Theo đuổi một dự án từ khi chỉ là ý tưởng cho đến lúc ra sản phẩm, rồi xây dựng đội nhóm, hình thành công ty để thương mại hoá sẽ giúp sinh viên học được vô số kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Hành trang này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các bạn khi ứng tuyển vào các tập đoàn lớn.

2 thách thức

Theo ThS Vương Khiết, hai thách thức tồn tại với các trung tâm ươm tạo ĐH hiện nay là tài chính và con người. Về tài chính, do gần như phải hỗ trợ "không hoàn lại" cho các nhóm sinh viên nên vườn ươm cần huy động từ nhiều nguồn như ĐH, doanh nghiệp, quỹ đầu tư để hỗ trợ được cho các nhóm.

Về con người, các vườn ươm đòi hỏi một số vị trí công việc rất đặc thù. Ví dụ, chuyên viên phát triển dự án là người làm việc cùng lúc với 5-6 nhóm sinh viên được ươm tạo.

Chuyên viên này cần có kiến thức trên nhiều mảng khác nhau, nhìn ra được vấn đề mà từng nhóm đang gặp phải và kết nối với đúng các mentor để giúp các bạn giải quyết.

"Tìm được những người như thế trên thị trường lao động rõ ràng không dễ", ông Khiết nói.

Lần đầu tiên của Mì tôm Thanh Long Caty: Khi vô tri cũng là một dạng Content Viral
Bài sau Lần đầu tiên của Mì tôm Thanh Long Caty: Khi vô tri cũng là một dạng Content Viral
Mì thanh long và chuyện đưa ý tưởng ra thị trường
Bài trước Lần đầu tiên của Mì tôm Thanh Long Caty: Khi vô tri cũng là một dạng Content Viral
image